Phương pháp dạy học dự án là một hình thức dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Phương pháp giáo dục này giúp học sinh phát triển kỹ năng và kiến thức qua những hoạt động mang tính mở, từ đó khuyến khích học sinh tạo ra những sản phẩm của chính mình. Vậy phương pháp dạy học theo dự án cụ thể là gì và vận dụng như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất? Bài viết dưới đây sẽ là câu trả lời chi tiết cho bạn!

>> Xem thêm:

1. Phương pháp dạy học theo dự án là gì?

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Vì vậy, việc đổi mới toàn diện giáo dục cũng như phương pháp dạy học là trách nhiệm của của toàn xã hội. Theo đó, phương pháp dạy học theo dự án đang được nhiều trường áp dụng, đặc biệt những trường chất lượng cao, trường quốc tế.

>> Tham khảo thêm: 10 phương pháp dạy học tích cực ở tiểu học

1.1. Khái niệm của dạy học theo dự án

Dạy học theo dự án là một hình thức giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của giáo viên, học sinh sẽ tự giải quyết nhiệm vụ học tập từ lý thuyết đến thực hành. Cụ thể, các giáo viên sẽ làm nhiệm vụ định hướng, khuyến khích các em tìm tòi và thực hành kiến thức được học dựa trên những câu hỏi được lồng ghép các nội dung chuẩn. Từ đó, phương pháp giảng dạy này hướng đến mục tiêu học sinh có thể tạo ra và giới thiệu các sản phẩm học tập mới hơn, sáng tạo hơn. Nói cách khác, đó chính là việc sử dụng các hình thức dạy học dự án khác nhau để nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo cách tốt nhất.

>> Xem thêm:

Phương pháp dạy học theo dự án là gì?

Phương pháp dạy học theo dự án lấy học sinh làm trung tâm

1.2. Các hình thức dạy học dự án

Mỗi phương pháp dạy học sẽ được phân loại theo những hình thức khác nhau để cụ thể hóa cách thực hiện. Theo đó, hình thức dạy học dự án được chia theo những tiêu chí khác nhau để giúp phát triển tư duy cho trẻ hiệu quả hơn.

Theo thời gian thực hiện dự án

Phân loại theo thời gian sẽ chia phương pháp dạy học theo dự án thành 3 mức với lượng thời gian khác nhau.

  • Dự án nhỏ: Dự án này sẽ được thực hiện trong 2 đến 6 giờ trong một số giờ học.
  • Dự án trung bình: Dự án được thực hiện vài ngày (còn gọi là ngày dự án) với thời lượng 40 giờ học.
  • Dự án lớn: Dự án kéo dài trong nhiều tuần với lượng thời gian nhiều.

Theo nhiệm vụ

  • Dự án nghiên cứu: Các dự án nghiên cứu sẽ giải thích các hiện tượng, các vấn đề diễn ra trong cuộc sống và các quá trình diễn ra sự việc.
  • Dự án tìm hiểu: Dự án hướng đến khảo sát các đối tượng cụ thể.
  • Dự án kiến tạo: Dự án thực hiện các hành động thực tiễn hay các hoạt động nhằm tạo ra các sản phẩm vật chất như trang trí, biểu diễn, sáng tác…

Theo mức độ của nội dung học

  • Dự án thực hành: Dự án trên cơ sở vận dụng các kiến thức đã học, kiến thức thực tế và kỹ năng cơ bản nhằm tạo ra sản phẩm.
  • Dự án tích hợp: Dự án tích hợp nhiều nội dung hoạt động như nghiên cứu lý thuyết, tìm hiểu thực tiễn, giải quyết vấn đề, thực hiện các hoạt động thực hành…

Ngoài các cách phân loại trên, phương pháp dạy học theo dự án còn có thể phân loại theo sự tham gia của người học (dự án cá nhân, dự án nhóm, dự án lớp…); phân loại theo chuyên môn (dự án môn học, dự án ngoài môn học, dự án liên môn)…

>> Xem thêm:

các hình thức của phương pháp dạy học dự án

Các hình thức của phương pháp dạy học theo dự án

1.3. Đặc điểm của phương pháp dạy học dự án 

Những đặc điểm của phương pháp dạy học dự án sẽ giúp bạn hiểu thêm về hình thức dạy học này.

  • Định hướng thực tiễn: Chủ đề bắt nguồn từ những tình huống của thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp sẽ giúp học sinh liên hệ các kiến thức đã học với cuộc sống. Tuy nhiên, những vấn đề đó phải phù hợp với khả năng nhận thức và trình độ của người học để tạo ra những tác động xã hội tích cực.
  • Định hướng hứng thú người học: Với phương pháp dạy học dự án, sự hứng thú của học sinh với môn học được chú trọng và đầu tư. Theo đó, học sinh được tham gia chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với bản thân.
  • Định hướng hành động: Sự kết hợp giữa nghiên cứu và vận dụng lý thuyết vào hoạt động thực hành là nhiệm vụ hàng đầu khi áp dụng phương pháp dạy học theo dự án. Qua đó, giáo viên kiểm tra, củng cố, mở rộng kiến thức lý thuyết và nâng cao kỹ năng hành động, thực hành của người học.
  • Mang tính phức hợp, liên môn: Dự án có sự kết hợp tri thức của nhiều môn học và nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết nhiệm vụ đề ra.
  • Tính tự lực của người học: Người học cần tham gia tích cực, chủ động trong quá trình học. Bên cạnh việc giáo viên đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, cần đảm bảo mức độ tự lực của học sinh phù hợp với khả năng của người học và độ khó của nhiệm vụ.
  • Cộng tác làm việc: Dạy học theo dự án rèn luyện tính cộng tác giữa học sinh và giáo viên, kỹ năng làm việc nhóm giữa các thành viên cũng như với các lực lượng xã hội khác. Điều này còn được gọi là học tập mang tính xã hội.
  • Định hướng sản phẩm: Các sản phẩm được tạo ra không chỉ giới hạn trong những thu hoạch lý thuyết, mà còn có ý nghĩa thực tiễn. Nói cách khác, những sản phẩm này có thể sử dụng, công bố và giới thiệu.

>> Tham khảo thêm:

Đặc điểm của phương pháp dạy học dự án

Dạy học theo dự án rèn luyện tính cộng tác giữa học sinh và giáo viên

2. Các bước vận dụng phương pháp dạy học theo dự án

Vận dụng phương pháp dạy học dự án cần có sự tham gia của giáo viên và học sinh với các bước chi tiết sau.

Bước chuẩn bị

  • Xây dựng ý tưởng buổi học và nhiệm vụ học tập.
  • Chọn chủ đề và các tiểu chủ đề.

Hoạt động của giáo viên:

  • Giáo viên chủ động lên các câu hỏi liên quan tới nội dung bài học và xác định được đối tượng cần học, ý tưởng bài học sao cho những nội dung đó gần với sự hiểu biết của học sinh.
  • Chuẩn bị dụng cụ, tài liệu để thực hiện đề tài.
  • Xác định nhiệm vụ, cách thức tiến hành của học sinh để giải quyết được vấn đề.

Hoạt động của các học sinh:

  • Học sinh phối hợp cùng giáo viên thống nhất các tiêu chí đánh giá.
  • Học sinh làm việc nhóm để chọn chủ đề dự án, xác định các công việc cần làm, chuẩn bị các vật liệu và phương pháp để thực hiện công việc được giao.

Thực hiện dự án

  • Hoạt động của giáo viên:
    • Hướng dẫn, theo dõi và đánh giá cách thức thực hiện của học sinh.
    • Chuẩn bị các điều kiện, vật dụng để học sinh thực hiện dự án. Giáo viên có thể liên hệ khách mời cho học sinh nếu cần.
  • Hoạt động của học sinh:
    • Khi thực hiện phương pháp dạy học theo dự án, các trưởng nhóm có nhiệm vụ phân công công việc cho các thành viên và đảm bảo tiến trình thực hiện của cả nhóm.
    • Thu thập xử lý các thông tin, đồng thời nhờ sự giúp đỡ cả giáo viên (nếu cần) để đem lại kết quả tốt nhất.
    • Lập báo cáo và hoàn thiện đề tài báo cáo.

Kết thúc dự án

Giáo viên và học sinh chuẩn bị tài liệu, sản phẩm, điều kiện cho buổi báo cáo.

  • Hoạt động của giáo viên:
    • Chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi báo cáo dự án.
    • Theo dõi, đánh giá kết quả dự án của các nhóm đồng thời đưa ra những nhận xét, góp ý, định hướng cụ thể để giúp học sinh nâng cao hiệu quả trong những dự án tiếp theo.
  • Hoạt động của học sinh:
    • Tiến hành giới thiệu sản phẩm.
    • Tự đánh giá sản phẩm dự án của nhóm mình và các nhóm khác.
    • Lưu lại những góp ý của giáo viên và các nhóm khác để ngày càng hoàn thiện.
các bước vận dụng phương pháp dạy học dự án

Vận dụng phương pháp dạy học dự án cần có sự tham gia của giáo viên và học sinh

3. Một số lưu ý khi áp dụng phương pháp dạy học dự án

  • Phương pháp dạy học dự án cần gắn việc học tập trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống, đồng thời có sự kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và vận dụng lý thuyết vào hoạt động thực tiễn.
  • Nhiệm vụ dự án cần phù hợp với trình độ và khả năng của học sinh.
  • Nội dung dự án có sự tích hợp liên môn hoặc nhiều lĩnh vực nhằm mở rộng đề tài cho học sinh. Việc dạy học tích hợp ở tiểu học đến trung học sẽ giúp học sinh phát huy được hết khả năng của mình.
  • Học sinh được chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với khả năng và niềm hứng thú của bản thân.
  • Các dự án học tập được thực hiện theo nhóm, trong đó có sự phân công công việc và cộng tác giữa các thành viên trong nhóm.
  • Dạy học dự án thích hợp để dạy các ứng dụng kĩ thuật hay vận dụng các kiến thức vật lý để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
  • Phương pháp dạy học theo dự án không phù hợp với các bài học đòi hỏi sự trình bày chính xác và hệ thống.
  • Sản phẩm của dự án không giới hạn những thu hoạch về lý thuyết, đồng thời khuyến khích những sản phẩm có thể sử dụng, công bố, giới thiệu.

Qua những chia sẻ về phương pháp dạy học dự án ở trên, hy vọng giáo viên và các bậc phụ huynh có thể hiểu và vận dụng phương pháp này một cách triệt để. Từ đó, học sinh có cơ hội phát huy những thế mạnh của mình, chủ động và sáng tạo hơn trong học tập và nghiên cứu.

Nếu quan tâm đến các chương trình học, các hoạt động về kỹ năng sống cho trẻ và những phương pháp giáo dục đang được áp dụng trong giảng dạy tại iSchool, các bậc phụ huynh có thể liên hệ với đội ngũ tư vấn thông qua 2 hình thức dưới đây để được hỗ trợ:

  • Điện thoại: 0789 166 588
  • Email: info@ischool.edu.vn

>> Quý phụ huynh có thể tìm hiểu thêm:

Tags: phương pháp STEAM, phương pháp Steiner, phương pháp Reggio Emilia, phương pháp Shichida, phương pháp giáo dục STEM cho trẻ mầm non, phương pháp dạy học trực quan, phương pháp dạy tiếng anh cho trẻ tiểu học