Đối với con trẻ, ngay từ lúc mới lọt lòng, con đã biết nhận thức mọi hành động của cha mẹ. Giáo dục con cái ngay từ bé chính là hướng con đến những hành động đúng đắn. Kiên quyết từ chối những yêu sách của con, yêu cầu con tự làm những việc cá nhân để hình thành một cá thể độc lập, không dựa dẫm.
Lớn lên chút nữa, cha mẹ hãy dạy con cách yêu thương, đùm bọc, chia sẻ. Dạy con về tình cảm gia đình , họ hàng, làng mạc, cao hơn nữa là tình yêu quê hương, đất nước để con thấy cuộc sống của con có nhiều ý nghĩa. Muốn dạy con tốt, cha mẹ phải thực sự gương mẫu. Không người mẹ nào suốt ngày chửi bậy và ứng xử thô lỗ lại có thể dạy được một đứa trẻ dịu dàng, lễ phép. Con cái, chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, phản ánh cách giáo dục, lối sống của gia đình lên nhân cách, tư tưởng của đứa trẻ. Nhìn vào hành động của trẻ, người khác có thể đánh giá được cha mẹ là người thế nào.
Ngày nay, xã hội phát triển một cách nhanh chóng, cha mẹ đôi lúc mải mê với cuộc chiến “cơm áo gạo tiền” mà quên đi mất trách nhiệm giáo dục con cái mình. Có nhiều phụ huynh gọi điện đến các trung tâm tư vấn tâm sinh lý trẻ than phiền: “Con em khó bảo, em đã làm đủ mọi cách, nhưng không dạy dỗ được”, “Cháu rất bưởng bỉnh, hay đòi hỏi. Nếu không chiều theo ý là phản kháng mãnh liệt”… Tuy nhiên chính các bậc phụ huynh lại quên rằng, mình thực sự chưa thực hiện đúng trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ.
Trẻ em bây giờ, ngay từ lúc lọt lòng, không mấy bé được hưởng dòng sữa ngọt ngào từ mẹ. Có đủ lý do cho việc này như không có sữa, sữa không về hay lo sợ ngực xấu để từ bỏ “quyền” được bú mẹ của con mình. Sợi dây liên kết tình cảm giữa mẹ và con thông qua hành động âu yếm mỗi lúc cho con bú không còn, thay vào đó là những chiếc núm ti bằng nhựa khô khan của các bình sữa.
Trẻ sau khi sinh ra cũng được “nhường” ngay quyền chăm sóc cho người giúp việc. Bộ luật lao động của nước ta đã có nhiều chính sách thay đổi như tăng thời gian nghỉ thai sản của bà mẹ lên 6 tháng để tạo điều kiện cho mẹ có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, cũng như giúp mẹ có thời gian chăm sóc con cái tốt hơn ngay từ những ngày đầu. Tuy nhiên, không ít bà mẹ “từ chối” quỹ thời gian này hoặc dùng nó vào mục đích khác…
Tôi rất tâm đắc trước tâm sự của một bà mẹ: “Chúng ta học đại học, có kiến thức, am hiểu xã hội sâu sắc có địa vị cao trong xã hội…nhưng chúng ta lại mang kiến thức đó đi phục vụ cộng đồng mà không phải là con mình. Chúng ta giao “báu vật” của mình cho một người giúp việc chưa tốt nghiệp cấp 3, thậm chí nói ngọng… như vậy có công bằng không?”
Khi xã hội phát triển như hiện nay, vai trò của người giúp việc trong gia đình là rất lớn. Luật cũng đã coi người giúp việc là một nghề và có nhiều chính sách bảo hộ. Tuy nhiên, không ít gia đình đã coi người giúp việc làm thay vai trò của người nội trợ, người dọn nhà và…cả người mẹ. Họ sẵn sàng phó mặc con cái cho người giúp việc, từ việc nấu ăn, cho con ăn đến việc đưa đón con đi học, tắm rửa cho con…
Người giúp việc cũng sẵn sàng làm hết tất cả mọi việc cho con của bạn và căn bản người giúp việc là người làm thuê nên con của bạn dần hình thành tính cách sai bảo, hỗn láo… kể cả người giúp việc đáng tuổi bố mẹ, cô bác mình. Sự phó thác con trẻ cho người giúp việc hay cô bảo mẫu chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy của xã hội như bệnh tự kỷ, tăng động ở trẻ nhỏ hay lối sống “ảo tưởng” của lứa tuổi vị thành niên.
Gia đình, là tế bào của xã hội, muốn có xã hội tốt, trước hết gia đình phải tốt. Gia đình muốn tốt thì cha mẹ phải chung tay xây dựng, nuôi dưỡng và giáo dục con cái, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ. Bởi, chỉ có người mẹ mới đủ tình yêu thương để che chở cho con mình, để dạy con điều hay, lẽ phải, chỉ người mẹ mới hướng dẫn con cách mặc quần áo, cách lau nhà, cách nấu cơm…để con trân quý giá trị của sức lao động và dạy cho con biết về lòng yêu thương, chỉ có người cha mới chỉ cho con thấy bầu trời kia có nhiều vì sao, đâu là dải Ngân Hà, đâu là con Thần Nông…, chỉ có Cha mới dạy cho con lòng dũng cảm, tính cương nghị…
Nếu như chúng ta, vì một lý do gì đó mà phó mặc con cái của mình cho người giúp việc, hoặc không dành nhiều thời gian cho con, như vậy vô tình chúng ta đang đẩy con em mình rời xa vòng tay của mình hơn, khó bảo và bướng bỉnh hơn. Hệ lụy của một xã hội “bắt bạn quỳ gối liếm chân”, “đánh hội đồng, quay clip tung facbook” hay đắm chìm trong game online… đang là cái giá mà chính chúng ta phải trả khi không quan tâm đến con, em mình!
Nguồn : Hải Vân | Báo Mới
Hình ảnh : iSchool Vietnam