Mục lục
Giáo dục và trang bị kỹ năng sống cho học sinh là việc làm cần thiết và cần được thực hiện sớm để giúp trẻ tự tin, sáng tạo, chủ động trong việc giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Không chỉ học tập tại trường, phụ huynh cũng nên rèn luyện cho con tại nhà thông qua các phương pháp giáo dục phù hợp với lứa tuổi và khả năng của trẻ. Cùng iSchool tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn kỹ năng sống là gì cũng như biết được những kỹ năng thiết yếu nên rèn luyện cho trẻ, giúp con phát triển toàn diện và thành công trong tương lai.
Kỹ năng sống là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống là những kỹ năng và khả năng cần thiết để tăng cường năng lực và sức khỏe mà mỗi người vận dụng để ứng phó hiệu quả với các tình huống phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Đây là những kỹ năng về cảm xúc, giao tiếp, tư duy,… giúp con người đương đầu với áp lực cuộc sống, tăng cường sự tự tin, tư duy logic và định hướng tích cực đối với cuộc sống. Kỹ năng sống đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thịnh vượng, mang lại hạnh phúc và hỗ trợ các cá nhân trở thành người tích cực và có ích cho cộng đồng.
Xem thêm:
- 12 Kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần thiết nhất
- 10 kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi bé cần được học nhất
- 9+ phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ tiểu học
Những đặc trưng cơ bản của kỹ năng sống
Vậy đặc trưng cơ bản của kỹ năng sống là gì? Dưới đây là một số đặc trưng nổi bật của kỹ năng sống như:
- Khả năng con người biết cách sống ra sao để cho hữu ích và phù hợp với môi trường của xã hội.
- Khả năng con người dám đương đầu với các tình huống khó khăn trong cuộc sống và biết cách vượt qua.
- Những kỹ năng tâm lý để con người biết cách quản lý bản thân cũng như có sự tương tác tích cực với mọi người và xã hội.
Các kỹ năng sống thiết yếu cần có trong học tập và cuộc sống
Dưới đây là những kỹ năng sống quan trọng cần rèn luyện từ sớm để giúp trẻ trở nên chủ động, tự tin, tự lập trong học tập và dễ dàng vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.
1. Kỹ năng tư duy sáng tạo
Kỹ năng tư duy sáng tạo là cách trẻ vận dụng tư duy và khả năng sáng tạo của mình để “cho ra đời” ý tưởng độc đáo nào đó giúp ích cho việc học và sinh hoạt hàng ngày. Sự sáng tạo của một đứa trẻ là vô tận và thường có những ý tưởng mà ngay cả người lớn cũng không thể nghĩ ra được. Nếu trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường cho phép trẻ được tự do “bay nhảy” với sự sáng tạo của mình, khả năng thành công của trẻ sẽ cao hơn rất nhiều.
Tại trường Hội nhập Quốc tế iSchool, trẻ có thể rèn luyện các kỹ năng sống, tư duy qua các hoạt động hè như chương trình Summer Camp. Ngoài ra, học sinh tiểu học tại iSchool Sóc Trăng còn được phát triển tư duy sáng tạo với ngôn ngữ lập trình Scrarch, giúp trẻ nắm được các khái niệm lập trình cơ bản như biến hàm, vòng lặp…
2. Kỹ năng tư duy phản biện
Kỹ năng tư duy phản biện là khả năng trẻ thấu hiểu, phân tích và đánh giá được những dữ liệu thu thập được thông qua quá trình quan sát, giao tiếp, truyền thông và tranh luận. Kỹ năng này nên được hình thành từ sớm để giúp trẻ có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề, vạn vật xung quanh. Ngoài ra, kỹ năng tư duy phản biện còn tạo điều kiện để trẻ sáng tạo hơn trong cách tiếp cận bài học, lập luận logic hơn, góp phần nâng cao hiệu quả học tập.
3. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng giải quyết vấn đề là khả năng xử lý các tình huống bất ngờ trong quá trình học tập và cuộc sống. Trang bị kỹ năng này cho trẻ sẽ giúp con có thể tự xử lý, kiên trì hơn và nhìn nhận lại sự việc để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất. Kỹ năng giải quyết vấn đề có sự liên quan đến nhiều yếu tố như lắng nghe tích cực, khả năng sáng tạo, phân tích, nghiên cứu, giao tiếp cũng như khả năng làm việc nhóm.
4. Kỹ năng giao tiếp
Thực tế cho thấy, những đứa trẻ có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ có khả năng ngôn ngữ vượt trội, tính cách tự tin và sự phản xạ tốt. Kỹ năng giao tiếp không chỉ gói gọn trong việc trẻ cởi mở tương tác với người khác mà còn cả cách con lắng nghe, có những hành vi ứng xử đúng mực. Có được kỹ năng giao tiếp tốt, trẻ sẽ tạo được ấn tượng với người khác và tạo dựng được mối quan hệ tốt với những người xung quanh, đồng thời có nhiều cơ hội để phát triển bản thân hơn.
5. Kỷ luật bản thân
Kỷ luật bản thân giúp trẻ có thể tự giác và kiểm soát những hành động của mình, tăng khả năng tự quản lý và có thể đạt được nhiều hơn các mục tiêu đặt ra. Kỷ luật bản thân bao gồm việc thiết lập, duy trì thói quen tốt, đặt ra mục tiêu rõ ràng và lên kế hoạch kỹ lưỡng để đạt được chúng.
6. Kỹ năng lãnh đạo
Kỹ năng lãnh đạo giúp trẻ có khả năng tự quản lý bản thân, tự định hướng và đưa ra những quyết định đúng đắn trong học tập và cuộc sống. Không chỉ vậy, kỹ năng này còn giúp trẻ có thể đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn cho người khác để cùng nhau phát triển.
7. Tự nhân thức
Tự nhận thức là khả năng tập trung vào chính mình, có liên quan đến việc đánh giá nhận thức của mỗi người về bản thân, bao gồm đặc điểm, hành động, hành vi hoặc cảm xúc. Việc trau dồi khả năng tự nhận thức có nghĩa là dành thời gian để suy ngẫm về các hành động hoặc suy nghĩ của bản thân, giúp tác động đến kết quả, cải thiện sự tự tin và hành động một cách rõ ràng, có mục đích. Đồng thời kỹ năng này cho phép mỗi người thấu hiểu các chủ đề, vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau, giải phóng mỗi cá nhân ra khỏi các giả định và thành kiến, từ đó có thể cải thiện khả năng ra quyết định.
8. Khả năng thấu hiểu
Thấu hiểu là kỹ năng sống quan trọng nhất mà mỗi người cần phải có để phát triển bản thân một cách toàn diện. Kỹ năng này giúp cho mỗi người hiểu rõ về giá trí, niềm tin, sở thích và mục tiêu của bản thân. Từ đó có thể tập trung vào những điều quan trọng nhất, biết cách định hướng cuộc đời của mình một cách đúng đắn. Bên cạnh đó, kỹ năng thấu hiểu bản thân còn giúp mỗi người kiểm soát cảm xúc hiệu quả, có thể nhận ra những điều khiến mình căng thẳng, lo lắng và tìm cách giải quyết phù hợp.
9. Từ chối đúng lúc
Trong những kỹ năng sống, kỹ năng từ chối đúng lúc cực kỳ cần thiết trong cuộc sống. Việc biết khi nào nên hay không nên và cách từ chối như thế nào sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức, thể hiện được một người biết điều, độc lập và bản lĩnh. Hơn nữa, kỹ năng từ chối đúng lúc sẽ giúp trẻ tránh những tình huống khó xử và giữ cho mối quan hệ với người khác được tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, rèn luyện kỹ năng này cho trẻ không hề đơn giản, phụ huynh cần phải dạy con từ chối một cách tế nhị và lịch sự, tránh gây ra hiểu lầm, mất lòng tin của người khác và làm tổn thương một mối quan hệ đang tốt đẹp.
10. Tự chăm sóc bản thân
Tự chăm sóc bản thân là một kỹ năng sống mà mỗi người được học từ bé, chẳng hạn như vệ sinh, mặc đồ, nấu ăn, bảo quản tư trang,… Việc tự chăm sóc cho bản thân sẽ giúp trẻ duy trì sức khỏe tốt, tăng cường khả năng độc lập, sự tự tin và nhanh chóng làm quen với môi trường mới mà không cảm thấy khó khăn.
Xem thêm: Giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non từ sớm
11. Sinh tồn
Kỹ năng sinh tồn là khả năng tự bảo vệ bản thân, tìm kiếm phương án khi gặp các tình huống khẩn cấp hoặc trong một môi trường khắc nghiệt. Chẳng hạn như tìm thức ăn, nước uống, tránh thú dữ, thoát khỏi rừng sâu, điều trị vết thương cơ bản, phát tín hiệu cầu cứu,… Khi trang bị các kỹ năng cần thiết này sẽ giúp trẻ độc lập, tự tin và xử lý tốt các tình huống xung quanh, đặc biệt là khi gặp nguy hiểm.
12. Kỹ năng phục hồi tâm lý
Kỹ năng phục hồi tâm lý là khả năng điều chỉnh, thích ứng hoặc vượt qua được các biến cố về thể chất hay tinh thần trong cuộc sống. Khi trẻ có khả năng tự phục hồi tâm lý sẽ giúp chúng trở nên mạnh mẽ, tự tin và kiên cường hơn trước những khó khăn hay thách thức căng thẳng bất cứ lúc nào.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ kỹ năng sống là gì. Giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh có ý nghĩa lớn trong hành trình lớn lên, quá trình học tập, hình thành nhân cách và xây dựng các mối quan hệ xã hội của trẻ. ISchool tin rằng với sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ sẽ đạt được hiệu quả như mong đợi, giúp trẻ phát huy năng lực, phát triển toàn diện bền vững trong tương lai.