Mục lục
Mỗi trẻ em đều có quyền được học tập trong môi trường giáo dục lành mạnh và tích cực. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận nền giáo dục bình đẳng bởi một số rào cản đặc biệt. Vì vậy, giáo dục hòa nhập ra đời – là giải pháp giúp các em nhanh chóng được tham gia vào tất cả hoạt động tập thể của trường, lớp với bạn bè. Cùng iSchool tìm hiểu sâu hơn về giáo dục hòa nhập và phương pháp thực hiện mô hình hiệu quả này qua bài viết sau đây!
Giáo dục hòa nhập là gì?
Giáo dục hòa nhập là một phương pháp giáo dục đảm bảo mọi trẻ em ở độ tuổi đến trường đều có quyền học tập bình đẳng, được tiếp nhận nền giáo dục chất lượng và phù hợp với nhu cầu, khả năng cũng như đặc điểm của người học.
Bên cạnh đó, phương thức giáo dục hòa nhập được xây dựng dựa trên nền tảng tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học và không có sự phân biệt đối xử, qua đó giúp cả trẻ có nhu cầu đặc biệt cần hỗ trợ cũng sẽ được tham gia các lớp học chung với các bạn phát triển bình thường, cùng trang lứa khác.
>> Tìm hiểu thêm:
- 12 kỹ năng trở thành công dân toàn cầu thế kỷ 21
- Kỷ luật tích cực là gì? Phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh
- 6 phương pháp giáo dục nổi tiếng nhất hiện nay trên thế giới
Mục đích và tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập
Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục tích cực dành cho tất cả đối tượng học sinh, đặc biệt đối với những em học sinh có nhu cầu đặc biệt cần hỗ trợ, cụ thể như sau:
Mục đích của phương thức giáo dục hòa nhập
- Giáo dục hòa nhập cho trẻ có nhu cầu đặc biệt cần hỗ trợ hướng tới tạo lập môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh nhất, tạo cơ hội cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần sự hỗ trợ được tham gia học và trải nghiệm hoạt động tập thể của trường cùng trẻ phát triển bình thường.
- Tạo điều kiện để trẻ có nhu cầu đặc biệt và các học sinh phát triển bình thường hiểu giá trị của nhau một cách đúng đắn, từ đó xóa bỏ sự khác biệt, mặc cảm hoặc xa lánh để tạo ra một tập thể gắn kết, hòa hợp.
- Giúp trẻ có nhu cầu đặc biệt được học tập tại địa phương trẻ đang sinh sống cùng gia đình mà không có sự tách biệt về môi trường sống.
Tầm quan trọng của phương thức giáo dục hòa nhập
Khi được học tại các trường như bao bạn cùng độ tuổi khác, trẻ có nhu cầu đặc biệt có thể học hỏi thêm từ chính các bạn chơi cùng, từ thầy cô nhà trường. Thông qua quá trình học hỏi lẫn nhau đó, tất cả các em học sinh sẽ được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách, giúp tạo nền tảng để trẻ hình thành những phẩm chất đạo đức tốt đẹp trong tương lai.
Ngoài ra, giáo dục hòa nhập còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ có nhu cầu đặc biệt được can thiệp sớm và đồng hành cùng gia đình các em trên hành trình giúp trẻ có môi trường phát triển bình đẳng như mọi người xung quanh. Vì vậy, phương pháp giáo dục này rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cả cộng đồng.
Các mô hình giáo dục hòa nhập
Hòa nhập một phần
Giáo dục hòa nhập một phần là phương pháp hòa nhập có hỗ trợ, cho phép học sinh tham gia vào một số lớp học chính khóa, đồng thời được bổ sung các buổi học cá nhân hoặc nhóm nhỏ. Đây là giải pháp phù hợp cho những học sinh cần hỗ trợ thêm về kiến thức hoặc kỹ năng chuyên biệt.
Học sinh sẽ được học tập các kỹ năng riêng với sự hướng dẫn của giáo viên chuyên môn trước khi quay trở lại lớp học chính. Phương pháp này đảm bảo học sinh nhận được sự hỗ trợ cần thiết mà không làm gián đoạn quá trình học tập của các bạn cùng lớp.
Hòa nhập toàn phần
Giáo dục hòa nhập toàn phần là nơi tất cả học sinh cùng học tập trong lớp học chung mà không cần tham gia thêm các lớp bổ túc riêng biệt, qua đó có thể thúc đẩy kỹ năng giao tiếp và hợp tác trong môi trường tập thể của các em. Điều này giúp học sinh cảm thấy được hòa nhập, tự tin tham gia đầy đủ vào các hoạt động chung của lớp.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, giáo viên cần thường xuyên đánh giá tiến độ học tập của từng học sinh để điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp.
Khuynh hướng hòa nhập
Khuynh hướng hòa nhập là quá trình học sinh hòa nhập bằng việc học tập trong các nhóm nhỏ hoặc lớp học được thiết kế riêng biệt để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ đặc biệt. Đây là cách tiếp cận giúp học sinh có thời gian chuẩn bị và củng cố kỹ năng trước khi tham gia vào lớp học chính khóa.
Sau khi đạt được những tiến bộ nhất định, học sinh sẽ được tích hợp dần vào các hoạt động của lớp chính, với sự hỗ trợ liên tục từ giáo viên để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra một cách suôn sẻ và tự tin.
>> Xem thêm:
- Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là gì?
- Phương pháp dạy học trực quan là gì? Áp dụng trong dạy học thế nào?
Một số phương pháp giáo dục hòa nhập
Trẻ có nhu cầu đặc biệt sẽ cần sự hỗ trợ từ giáo viên và nhà trường, tuy nhiên sự hỗ trợ cũng cần thống nhất và hợp lý để không tạo ra sự cách biệt, gây ra ảnh hưởng tâm lý không tốt cho trẻ. Sau đây là một số phương pháp ưu tiên:
- Dạy trẻ từng bước một và quan trọng là phải kiên nhẫn. Không phải trẻ có nhu cầu đặc biệt nào cũng có thể hiểu lời giáo viên ngay lập tức, vì vậy thầy cô nên chia nhỏ kiến thức và lặp đi lặp lại để các em có thể ghi nhớ lâu dài.
Chẳng hạn, khi trẻ cảm thấy quá áp lực không thể tiếp thu kiến thức như các bạn phát triển bình thường khác, cô giáo có thể tạm dừng lớp học, chơi một trò chơi nhỏ giải tỏa căng thẳng và giải thích bài học sau khi trẻ đã sẵn sàng.
- Cố gắng trao đổi, tương tác trực tiếp với trẻ có nhu cầu đặc biệt thay vì thông qua người bảo hộ, điều này xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn giữa giáo viên và học sinh, giúp các em cởi mở hơn khi giao tiếp.
Một ví dụ cụ thể, khi trẻ gặp hạn chế trong giao tiếp, thầy cô nên nhìn thẳng vào mắt, nở nụ cười thân thiện và phán đoán cảm xúc thông qua biểu cảm khuôn mặt để có thể hiểu rõ các em hơn.
- Chú ý từ ngữ phù hợp, chuẩn mực khi dạy học, tránh các từ nhạy cảm hoặc mang tính nặng nề, công kích cá nhân.
- Tôn trọng ý kiến cá nhân, hỏi trước khi tự ý giúp đỡ trẻ bởi trẻ có thể muốn tự hoàn thành mà không cần hỗ trợ.
Ví dụ đối với trẻ gặp khó khăn trong chức năng đi lại, trẻ cần một số dụng cụ hỗ trợ đặc biệt tuy nhiên nhiều em sẽ tự đi và không thích người khác tiếp xúc quá gần. Ngoài ra, có thể giúp một cách gián tiếp bằng cách hạn chế đặt các đồ vật cồng kềnh, chắn lối đi.
- Sử dụng âm nhạc trong dạy học vì theo các nghiên cứu, âm nhạc mang lại những cảm hứng tuyệt vời giúp trẻ có nhu cầu đặc biệt suy nghĩ tích cực hơn và dễ dàng tiếp thu kiến thức.
- Phản hồi nhanh và tích cực giúp khuyến khích học sinh tiếp tục cố gắng. Những lời khen, đánh giá cao sự đóng góp của học sinh có nhu cầu đặc biệt sẽ là món quà tinh thần, thúc đẩy các em tiếp tục phát huy đức tính tốt.
>> Xem thêm:
- Tổng quan về chương trình dạy học tích hợp ở tiểu học
- Dạy học phát triển năng lực là gì? Phương pháp dạy theo định hướng phát triển năng lực
- Dạy học theo dự án là gì? Vận dụng phương pháp dạy học dự án
Trên đây, bài viết đã giải đáp chi tiết cho bạn về giáo dục hòa nhập là gì cũng như phương pháp thực hiện mô hình giáo dục này. Tóm lại, giáo dục hòa nhập là một triết lý giáo dục toàn diện, hướng đến sự phát triển tối đa của mọi cá nhân. Sự thành công của giáo dục hòa nhập phụ thuộc vào việc hiểu rõ và đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh, đồng thời tạo điều kiện để mỗi em được tỏa sáng và đóng góp vào cộng đồng.