Với một giáo viên Văn như tôi, sứ mệnh to lớn nhất của người thầy có lẽ là yêu thương và tạo ra những con người biết yêu thương. Vì thế, tôi xác định, đã là thầy thì dù ở môi trường nào, với học sinh nào thì người thầy vẫn mãi có sứ mệnh rất cao quý, thiêng liêng và phải cống hiến hết mình.
Ngữ văn vốn là một môn học đầy lí thú. Nó xây dựng trong những con người học văn những kiến thức xã hội phong phú, những trải nghiệm tâm hồn đáng giá, những năng lực cảm thụ, phán đoán, phân tích, năng lực thẩm mĩ đầy nhạy cảm, tinh tế. Nó ăn sâu vào mỗi người từng chút chứ không phải chỉ được thể hiện trong những bài kiểm tra, những phút giây trả bài làu làu về tác giả, về tác phẩm. Với một giáo viên Văn như tôi, sứ mệnh to lớn nhất của người thầy có lẽ là yêu thương và tạo ra những con người biết yêu thương. Vì thế, tôi xác định, đã là thầy thì dù ở môi trường nào, với học sinh nào thì người thầy vẫn mãi có sứ mệnh rất cao quý, thiêng liêng và phải cống hiến hết mình.
Tuy nhiên, nếu việc học văn trong nhà trường chỉ dừng lại trong 4 bức tường, nơi những bài văn mẫu, những dòng ghi chép theo lời giảng “tối cao” của thầy cô thì tất cả chỉ còn lại sự đơn điệu, tầm thường, khuôn mẫu và chán ngán. Việc dạy học Văn gắn với các dự án sinh động, thiết thực ngày càng cần thiết và thu hút học sinh. Có rất nhiều ý tưởng và giải pháp cho vấn đề này, trong đó, người dạy có thể kết hợp văn học với các ngành nghệ thuật khác. Vì thế tôi luôn đổi mới phương pháp của mình dựa trên mối liên kết với nhiều ngành nghề, bộ môn khác để tổ chức nên những dự án ý nghĩa.
Môn Văn là một trong những môn dễ lồng ghép các giá trị phẩm chất để giảng dạy nhất, không chỉ là lí thuyết mà còn cả thực hành rèn luyện những giá trị thông qua các hoạt động nhóm, các trò chơi, các dự án Văn học,….Thay vì cứ diễn giảng truyền thống, người giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm, vẽ sơ đồ tư duy, xem clip, thi đua đọc diễn cảm, ngâm thơ, khởi động tiết học bằng trò chơi tiếng Việt, có cả ca hát, múa, diễn kịch, đối đáp, phản biện… Các dự án sân khấu hóa tác phẩm Văn học diễn ra mỗi năm từ văn học dân gian đến trung đại, hiện đại. Những bức thư đầy cảm xúc cũng được các em chăm chút gửi về cho ba mẹ của mình.
Bên cạnh đó, học sinh còn được hóa thân vào những vai trò khác nhau như họa sĩ, MC, phóng viên, luật sư, bác sĩ, nhà tâm lí,…để biến bài học thành những dự án: Dự án Ôn dịch, thuốc lá – nơi các luật sư, bác sĩ, nhà tâm lí, khán giả,..tọa đàm về tác hại của khói thuốc lá; dự án “Văn học xanh” – nơi học sinh là diễn viên, biên kịch, quay phim, phóng viên,…để cùng cất tiếng nói về môi trường sinh thái và văn học; dự án triển lãm tranh văn học – nơi các họa sĩ, các nhóm tác giả, người mẫu tạo nên những sản phẩm túi, áo, nón,…từ tranh vẽ văn học và đấu giá, bán các sản phẩm gây quỹ.
Thông qua những tiết dạy, hoạt động đó, có rất nhiều học sinh từng rất “ngán học” môn Văn trở nên tập trung, thích thú hơn. Các em phát hiện được nhiều năng lực mới của mình; không chỉ được nghe, được xem mà còn được nói, được hát, được viết và sáng tạo. Và quan trọng là các em tìm được điều thiết thực khi học Văn vì nó gần gũi với cuộc sống, nó kết nối gia đình, bạn bè, kết nối bản năng và trái tim của con người. Cùng từ đó, tôi nhận ra mình càng yêu quý môn Văn và chính nghề giáo của mình. Nếu các ngành khác tạo ra các sản phẩm có giá trị, thì nghề giáo lại tạo ra những con người làm nên giá trị cho cuộc sống bởi chính nhân cách và tài năng của mình. Có được niềm tin ấy, tất cả là nhờ iSchool.
Giáo viên Phùng Dương Hạnh