Lời cảm ơn và xin lỗi tưởng chừng đơn giản nhưng trong thời buổi hiện dường như chúng đã bị lãng quên trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày nhất là đối với người trẻ. Chính vì vậy, để nhắc nhở các bạn học sinh biết nói lời cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, đúng nơi, lớp 7A1 và 7A2 đã mang đến tiết học rèn nhân cách, kỹ năng sống chủ đề “Biết nói lời cảm ơn và xin lỗi” trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần.

Để dẫn dắt các bạn học sinh tìm hiểu chủ đề này, các bạn học sinh lớp 7 đã dựng một tiểu phẩm ngắn về lời cảm ơn – xin lỗi. Tiểu phẩm đơn giản nhưng chứa đựng thông điệp lớn lao. Nhân vật chính là Tùng với hai câu chuyện đơn giản.

Câu chuyện đầu tiên khi Tùng cùng mẹ trên đường vì vội vã nên va vào một cậu bé điên khiến cậu bị ngã. Tùng định bỏ đi nhưng mẹ Tùng nán lại để xin lỗi cậu bé. Tùng không đồng ý nên giục mẹ đi. Mẹ Tùng thấy vậy thì nhẹ nhàng khuyên bảo Tùng phải biết xin lỗi người khác khi mình có lỗi với họ dù đó có là ai đi nữa. Qua lời của mẹ Tùng chợt hiểu ra và xin lỗi cậu bé điên. Tùng cũng cảm ơn mẹ đã dạy cho mình những điều hay lẽ phải.

Câu chuyện thứ nhất: Tùng và mẹ va vào cậu bé điên

Câu chuyện thứ hai xảy ra khi Tùng về quê chơi. Khi Tùng với Huy – bạn hàng xóm của Tùng – chơi đá banh thì vô tình đá vỡ cửa kính nhà bà Sáu. Huy sợ hãi kéo Tùng bỏ chạy nhưng Tùng nhớ lời mẹ dạy “Khi làm sai điều gì phải biết nhận lỗi và xin lỗi” nên Tùng kéo Huy lại để vô nhà bà Sáu xin lỗi. Huy phản đối vì bà Sáu nổi tiếng là khó gần và không bao giờ mở miệng nói chuyện với ai. Tùng hơi do dự nhưng cuối cùng vẫn quyết định vào nhà bà Sáu. Gặp bà Sáu Tùng và Huy mới hiểu rằng bà Sáu bị câm không nói được và bà vô cùng tốt bụng và nhân hậu chứ không khó khăn như lời đồn thổi của mọi người. Tùng giúp bà dọn dẹp kính vỡ, xin lỗi và cảm ơn bà Sáu đã trả lại trái banh cho mình.

Câu chuyện thứ hai khi Tùng và bạn đá banh làm vỡ kính nhà bà Sáu

Hai câu chuyện đơn giản nhưng chứa đựng thông điệp vô cùng ý nghĩa. Có bao giờ bạn mắc lỗi và dũng cảm nhận lỗi, xin lỗi người khác. Có bao giờ bạn cám ơn những người xung quanh khi họ giúp đỡ mình. Hay bạn đã vô tình quên đi những phép tắc ứng xử bình thường, đơn giản đó.

Phần cuối là phần tương tác, chia sẻ của các bạn học sinh xoay quanh chủ đề “cảm ơn và xin lỗi“. Các bạn đã nêu lên suy nghĩ của mình về lời cảm ơn, xin lỗi, về hoàn cảnh nói lời cảm ơn, xin lỗi, về những câu chuyện của các bạn khi nói lời cảm ơn hoặc xin lỗi trong cuộc sống hằng ngày.

Các bạn học sinh tương tác chia sẻ cuối tiết học