Văn học dân gian là kho tàng quý báu của nhân loại nói chung và của Việt Nam nói riêng. Để giúp học sinh tiếp cận và hiểu được giá trị của kho tàng văn học dân gian Việt Nam, câu lạc bộ văn học trường Hội nhập Quốc tế iSchool Long An tổ chức chuyên đề “Em yêu văn học dân gian” cho học sinh toàn trường trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần.
Lấy câu chuyện về một bạn du học sinh tên Susan muốn tìm hiểu về văn học dân gian Việt Nam phụ vụ cho việc làm đề tài tốt nghiệp “Bản sắc văn hóa dân gian trong đời sống của cộng đồng người Việt”, câu lạc bộ văn học đã dàn dựng một vở kịch nói về một số loại hình văn học dân gian để Susan có thể hình dung rõ.
Vở kịch mở đầu bằng giọng hát ru ngọt ngào của một người mẹ với những câu từ quen thuộc:
“Dí dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời
Ầu ơ…Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
Lời ru đó đưa mọi người về với một vùng quê xưa yên ả, bên cánh võng đong đưa, mẹ ngồi hát ru con. Rồi người bà xuất hiện, tay bà đưa võng, miệng bà kể những câu chuyện cổ tích dân gian cho đàn cháu nhỏ nghe.
Bà kể câu chuyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” với nội dung năm ông thầy bói mù rủ nhau đi xem voi, mỗi ông sờ một bộ phận khác nhau của con voi rồi kết luận con voi giống với bộ phận đó. Không ông nào đồng ý với ông nào nên xả ra tranh cãi, xô xát. Thông điệp của câu chuyện là: muốn hiểu biết về sự vật, sự việc phải xem xét chúng một cách toàn diện.
Bà đang kể chuyện thì em bé giật mình khóc. Để dỗ em, bà hát bài dân ca “Bèo dạt mây trôi” ngọt ngào và sâu lắng. Sau khi em bé ngủ lại, bà định kể chuyện tiếp nhưng các cháu nghe phú ông mở hội kén rể nên chạy đi xem.
Hội kén rể là phần tranh tài của hai anh chàng Tèo và Cành đều tự nhận mình là người có tài đối đáp văn thơ, giải câu đố. Chính vì thế, phú ông thử tài các chàng rể tương lai thông qua việc giải qua các câu đố dân gian. Ở đây có hai loại hình văn học dân gian xuất hiện là câu đố và vè. Không những 2 chàng Tèo và Cành tranh tài mà các bạn học sinh cũng được thử sức giải câu đố và nhận được những phần quà hấp dẫn.
Sau khi xem hội kén rể, các bạn nhỏ về nhà, em bé lại khóc, các bạn nhỏ chạy sang nhà hàng xóm nhờ các anh làm trò để dỗ em bé. Và câu chuyện xoay quanh việc treo biển của ông chủ ở một cửa hàng cá. Sau bốn lần được người qua đường và người mua cá góp ý từ một tấm bảng với nội dung “Ở đây có bán cá tươi” thì trên bảng không còn chữ nào.
Thông điệp của câu chuyện là: Trong cuộc sống, biết lắng nghe, biết tiếp thu những ý kiến khen chê, góp ý của người khác là một điều đáng quý. Nhưng lắng nghe mà không chọn lọc, không có chính kiến của mình thì sẽ rơi vào tình huống lòng vòng như ông chủ cửa hàng bán cá.
Khép lại vở kịch là giọng hát ru ngọt ngào của người mẹ:
“Ầu ơi…Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”
Như vậy thông qua vở kịch trên Susan cũng như các bạn học sinh có thể tìm hiểu được bảy loại hình văn học dân gian của Việt Nam đó là: truyện ngụ ngôn, truyên cười, hát ru, câu đố, vè, ca dao và dân ca. Các loại hình văn học này có nội dung vô cùng phong phú và đặc trưng cho từng vùng địa phương, được lưu truyền từ ngàn xưa đến nay, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xem thêm hình ảnh của buổi sinh hoạt tại đây.
Huyền Trâm