Vào ngày 29/12/2015 vừa qua, các bạn nhỏ lớp 6 trường THCS và THPT iSchool Quy Nhơn đã được tham quan các di tích lịch sử của tỉnh Bình Định như Tháp Đôi, Nhà tù số 9 Đào Duy Từ, bảo tàng Quang Trung, khu du lịch Hầm Hô, bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Qua chuyến tham quan, các em đã có được những bài học thực tế đầy bổ ích và hiểu thêm về lịch sử Việt Nam.
Vào ngày 29/12/2015 vừa qua, các bạn nhỏ lớp 6 trường THCS và THPT iSchool Quy Nhơn đã được tham quan các di tích lịch sử của tỉnh Bình Định như Tháp Đôi, Nhà tù số 9 Đào Duy Từ, bảo tàng Quang Trung, khu du lịch Hầm Hô, bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Qua chuyến tham quan, các em đã có được những bài học thực tế đầy bổ ích và hiểu thêm về lịch sử Việt Nam.
Địa điểm đầu tiên các em được đến tham quan là di tích Tháp Đôi. Tháp Đôi hay còn có tên là Tháp Hưng Thạnh là khu tháp của Chăm Pa gồm có hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau hiện nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13, đây cũng là thời kỳ có sự giao lưu thường xuyên giữa Chăm Pa và vương quốc Khmer nên các nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc Angkor có ảnh hưởng ít nhiều vào kiến trúc điêu khắc của tháp. Cụm tháp gồm 2 tháp, một tháp cao 20m được gọi là Tháp Bà và tháp 18m được gọi là Tháp Ông. Lý giải cho lý do tại sao Tháp Bà lại cao hơn Tháp Ông chính là do chế độ Mẫu hệ thời bấy giờ.
Tháp Đôi – TP. Quy Nhơn
Tại đây, các em được biết thêm về thời kỳ Chăm Pa xưa, nét độc đáo về kiến trúc của tháp Chăm nói chung và Tháp Đôi nói riêng; hơn nữa các em còn được biết về chế độ Mẫu hệ xa xưa. Các em được giáo viên giới thiệu về lịch sử hình thành, ý nghĩa về mặt tâm linh của cụm tháp, quá trình trùng tu lại tháp sau khi bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên nhiên.
Các bạn đang hào hứng trao đổi, tìm hiểu nét độc đáo về kiến trúc của Tháp
Địa điểm tiếp theo của cuộc hành trình là nhà tù số 9 đường Đào Duy Từ, thành phố Quy Nhơn. Các bạn nhỏ được giáo viên lịch sử giới thiệu về nhà tù này: nhà tù ra đời từ năm 1955 đến năm 1962 thì giải thể. Tuy thời gian hoạt động ngắn, nhưng nó mang nhiều đặc điểm khác so với các nơi như số lượng tù nhân rất đông. Tính đến tháng 4-1957 số tù nhân nơi đây lên đến 2.000 người. Với diện tích khoảng 120m2, có buồng bếp (4,87m2) và buồng vệ sinh (3,19m2), địch đã sử dụng 2 căn buồng này làm hai xà lim, gọi là Xà lim 1 và Xà lim 2, để nhốt những tù nhân mà chúng cho là thành phần nguy hiểm. Với diện tích chật hẹp như vậy nhưng địch nhốt thường xuyên hơn 20 người, có đợt cao điểm chúng tống giam vào đây cả nam lẫn nữ lên đến 37 người.
Di tích nhà tù số 9 đường Đào Duy Từ – TP. Quy Nhơn
Thật tiếc là hiện nay, nhà tù đã xuống cấp nên đang được đóng cửa để trùng tu, vậy nên các em không được vào trong để tham quan di tích này. Hẹn các em vào những dịp sau.
Bảo tàng Tổng hợp Bình Định với diện tích 3.673m2với 5 gian trưng bày trên 1.000 tài liệu, hiện vật đem đến cho người xem cái nhìn vừa khái quát, vừa cụ thể về quê hương con người Bình Định qua các thời kỳ lịch sử; tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ và đặc biệt là hệ thống tài liệu, hiện vật về nền văn hóa Chăm Pa. Các bạn được tham quan 5 gian tưng bày với 5 chủ đề chính: phòng “Đất nước con người” với 241 hiện vật, phòng “kháng chiến chống Pháp” với 122 hiện vật, phòng “kháng chiến chống Mỹ” với 233 hiện vật, phòng “văn hóa Chăm” 173 hiện vật, phòng “Bác Hồ với Bình Định – Bình Định với Bác Hồ” 185 hiện vật.
Các bạn nhỏ đang được cô hướng dẫn viên giới thiệu về bức tượng của một vị thần trong văn hóa Chăm Pa
Bảo tàng Quang Trung là điểm dừng chân tiếp theo của đoàn tham quan. Hình thành trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn; quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều nhất trên đất nước ta hiện nay.
Tại đây, các bạn nhỏ được cô hướng dẫn viên giới thiệu về tiểu sử của Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cũng như những chiến thắng vang dội tại các trận quyết chiến với kẻ địch để đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Các bạn rất say sưa lắng nghe, tìm hiểu và đặt câu hỏi để biết thêm về những hiện vật được trưng bày trong bảo tàng.
Các bạn nhỏ rửa mặt và uống nước tại Giếng cổ trong bảo tàng
Điện thờ Tây Sơn
Các bạn đang được giới thiệu về các hiện vật trong bảo tàng
Các bạn nhỏ đang tự tìm hiểu các hiện vật tại đây
Để giải lao sau chuyến tham quan và biết thêm về nét đẹp của quê hương Bình Định, các em được tham quan và vui chơi tại khu du lịch Hầm Hô nằm cách bảo tàng Quang Trung khoảng 5km. Giữa ngút ngàn của rừng xanh dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, Hầm Hô là một danh thắng thiên nhiên tuyệt mỹ, một điều kỳ diệu của tạo hóa với khúc sông Lấp Trời, với Hòn Chuông, Hòn Bóng, với Đá Thành, Đá Bàn Cờ, Dấu Chân Khổng Lồ và một hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng.
Khu du lịch Hầm Hô
Kết thúc chuyến hành trình, các bạn nhỏ đã thấy được thực tế từ những kiến thức đã được học trong sách vở, thấy được lịch sử hào hùng của người dân Bình Định nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, càng yêu quê hương Bình Định hơn. Chuyến đi thực sự là một bài học, một trải nghiệm bổ ích cho các em nhỏ trong quá trình học tập của các em.