Nhận thức được sự phát triển, lợi ích của công nghệ AI, học sinh trường Hội nhập Quốc tế iSchool Long An đã ứng dụng để thực hiện đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật “Sử dụng lập trình Python tạo trí thông minh nhân tạo (A.I) hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường” do bạn Thái Hoàng Trung Nghĩa – Lớp 12A1 thực với sự hướng dẫn của thầy Võ Văn Bình – Giáo viên tin học.
Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence – viết tắt là A.I) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science), là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.
Hiện nay trí tuệ nhân tạo A.I đang rất phát triển và được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực như y tế, kinh doanh, tài chính, xản xuất, giáo dục… giúp cung cấp thông tin chính xác, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sức người, nâng cao hiệu quả cũng như hỗ trợ các hoạt động mà con người khó làm được.
Nhận thức được sự phát triển, lợi ích của công nghệ A.I, học sinh trường Hội nhập Quốc tế iSchool Long An đã ứng dụng để thực hiện đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật “Sử dụng lập trình Python tạo trí thông minh nhân tạo (A.I) hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường” do bạn Thái Hoàng Trung Nghĩa – Lớp 12A1 thực với sự hướng dẫn của thầy Võ Văn Bình – Giáo viên tin học. Mục đích của đề tài là tạo được một chương trình “Trợ lý ảo” hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường, giải đáp thắc mắc của học sinh.
Chia sẻ về lý do chọn đề tài này, Trung Nghĩa cho hay: “Hiện nay học sinh chúng em gặp phải rất nhiều vấn đề chướng ngại về tâm lý, giới tính, lứa tuổi, nhiều vướng mắc trong các mối quan hệ với gia đình, thầy cô và bạn bè. Chúng em cần có một chuyên gia tâm lý để giúp chúng em tháo gỡ những khó khăn, gút mắc. Tuy nhiên không phải trường học nào cũng có “chuyên gia” để tư vấn tâm lý, hoặc nếu có cũng không đáp đủ nhu cầu cần tư vấn đến từ học sinh, một số bạn lại có tâm lý e ngại không dám hỏi trực tiếp nhất là những vấn đề “thầm kín”. Vì vậy em suy nghĩ và quyết định viết chương trình “Trợ lý ảo” trên nền trí tạo thông minh nhân tạo A.I để tìm ra giải pháp cho những vấn đề trên.”
Phần mềm mà Nghĩa sử dụng để lập trình “Trợ lý ảo” là Python. Đây là ngôn ngữ lập trình bậc cao được nhiều công ty, trường học sử dụng để dạy lập trình cho học sinh với nhiều tính năng tốt, cú pháp đơn giản và dễ sử dụng.
Dưới sự hướng dẫn của thầy Võ Văn Bình, Nghĩa thu thập dữ liệu và lập trình “Trợ lý ảo” qua từng bước. Sau khi hoàn thiện, người dùng chạy tập tin thực thi exe và rồi trò chuyện với “Trợ lý ảo”. Khi nhận dạng được các từ khóa theo yêu cầu “Trợ lý ảo” phản hồi lại bằng việc phát các file tư vấn trong cơ sở dữ liệu. Khi các từ khóa không phù hợp “Trợ lý ảo” sẽ hỏi lại: “Bạn muốn nói gì với tôi”. Khi đó, người dùng sẽ nói lại các từ khóa tìm kiếm. Hướng phát triển của phần mềm là nhúng các ứng dụng vào thiết bị robot để trò chuyện trực tiếp với người dùng.
Ưu điểm của “Trợ lý ảo” này là dễ sử dụng, có thể thay thế nhân viên tư vấn tâm lý học đường và giải đáp thắc mắc của học sinh. Mở rộng ra có thể phát triển thêm tư vấn tình huống sư phạm cho giáo viên.
Đề tài được nhà trường hỗ trợ hoàn thiện và gửi đi dự thi cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh” dành cho học sinh trung học năm 2020 – 2021 lĩnh vực “Phần mềm hệ thống” và đạt được giải khuyến khích cấp tỉnh. Đây là động lực để Trung Nghĩa tiếp tục phát triển hơn nữa cho dự án này, tích hợp các tính năng khác, cũng như mở rộng phạm vi tư vấn để trong tương lai xa hơn đề tài có thể ứng dụng vào thực tiễn, trở thành “trợ lý” đắc lực cho hoạt động tư vấn tâm lý ở các trường học.
Huyền Trâm